Một khu vui chơi trẻ em được lắp đặt bởi NPY |
Mới đây, Tập đoàn Bất động sản Him Lam đã đầu tư vào một lĩnh vực mới: khu vui chơi giáo dục – giải trí dành cho trẻ em trên diện tích 3 ha đất với tổng mức đầu tư lên tới 600 tỷ đồng. Với quỹ đất và quy mô đầu tư này, Him Lam hiện đang phá kỷ lục trong “cuộc chơi mới” và khiến những chủ đầu tư đang có ý định nhảy vào kinh doanh lĩnh vực này phải… giật mình.
Ồ ạt mở khu vui chơi vẫn chưa đủ
Vietopia, khu vui chơi nói trên do Công ty cổ phần Him Lam Phát triển trí tuệ trẻ em Việt (Himlam Vikid) làm chủ đầu tư, mở cửa hoạt động từ tháng 1/2014. Trước đó không lâu, cuối tháng 12/2013, khu vui chơi KizWorld với mô hình giáo dục – giải trí trong nhà dành cho trẻ em từ 3-16 tuổi cũng đi vào hoạt động. Khu này có diện tích 5.500 m2, nằm trong khuôn viên Trung tâm Thương mại Parkson Flemington trên đường Lê Đại Hành, quận 11, TP.HCM do Công ty cổ phần Giáo trí KizWorld làm chủ đầu tư.
Mới đây, Trung tâm tiNiTown thuộc Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Thiếu Nhi Mới (Nkid) đã khai trương tại Trung tâm Thương mại Aeon Tân Phú (TP.HCM) với diện tích 2.800 m2.
Một cái tên nữa mới xuất hiện trên thị trường là VinKC (Vin Kids Center) thuộc Tập đoàn Vingroup. VinKC nằm trong Trung tâm Thương mại Vincom B trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM. Trước đó, một trung tâm tương tự đã được mở tại Vincom Mega Mall Times City (Hà Nội). Đứng đầu về số lượng điểm vui chơi hiện nay trên thị trường là hệ thống khu vui chơi tiNiWorld. Khai trương khu vui chơi giáo dục – giải trí đầu tiên cho trẻ vào tháng 9/2009, đến nay, hệ thống của tiNiWorld đã lên tới con số 18 điểm ở nhiều thành phố lớn trên cả nước.
Khai trương tuy rầm rộ nhưng cho đến nay tính riêng tại TP.HCM cũng mới chỉ có chưa đến 20 điểm vui chơi lớn, phục vụ cho gần 2 triệu trẻ em. Trong khi đó, cả nước có gần 25 triệu trẻ em (từ 0 đến 16 tuổi), chiếm khoảng 28 % dân số, nhưng số điểm vui chơi cho trẻ chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu này.
Cho đến nay các công ty không công bố lợi nhuận từ các khu vui chơi trẻ em. Tuy nhiên, theo bà Đỗ Thị Bích Trâm, Giám đốc điều hành Công ty New Play Yard, chuyên tư vấn và lắp đặt các khu vui chơi cho biết: đầu tư khu vui chơi trẻ em tuy là lĩnh vực gom bạc lẻ, nhưng an toàn bởi vốn đầu tư không quá lớn trong khi thời gian thu hồi vốn nhanh. “Một khu đất khoảng 200 m2 (có sẵn nhà tiền chế trên đất) thì tiền đầu tư cho đồ chơi mất khoảng 300 triệu đồng, còn nếu là khu đất trống, tiền đầu tư khoảng 560 triệu đồng.
Với vốn đầu tư này, trong vòng nửa năm chủ đầu tư có thể thu hồi vốn. Nếu khu vui chơi khai trương vào các dịp lễ, hè thì thời gian thu hồi vốn có thể nhanh hơn (khoảng 3 tháng)”, bà Bích Trâm cho hay. Cũng theo bà Trâm, đầu tư vào khu vui chơi đang trở thành trào lưu tại hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Chủ đầu tư ở những khu vui chơi này chủ yếu là chủ doanh nghiệp trên địa bàn, có lợi thế tận dụng được nguồn bất động sản sẵn có hoặc thuê với giá rẻ trong khoảng thời gian dài. Khoảng 80% số khu vui chơi có quy mô đầu tư trong khoảng 400-800 triệu đồng.
Mặc dù suy thoái kinh tế, nhưng thời gian qua New Play Yard vẫn luôn tất bật với hoạt động kinh doanh do nhu cầu đầu tư khu vui chơi không ngừng gia tăng. Theo bà Bích Trâm, tăng trưởng doanh thu của công ty luôn đạt mức trên 30%/năm.
Không chỉ là yếu tố mặt bằng
Mô hình kinh doanh này chỉ cần đầu tư một lần, có thể thu hồi vốn nhanh và ít phải tái đầu tư, chóng sinh lời. Song vẫn theo bà Trâm, không ít chủ đầu tư đã nhanh chóng thất bại chỉ trong thời gian ngắn, phần lớn do chủ đầu tư không quan tâm sâu sát đến hoạt động kinh doanh này và không có các chính sách kích cầu.
Trong lĩnh vực này, vị trí là yếu tố quyết định thành bại. “tiNiWorld thành công là do hiểu rõ về mô hình đầu tư này”, một nhà tư vấn đầu tư, nhận định. Cũng theo chuyên gia này, đang có một cuộc chiến ngầm giành mặt bằng ở những khu đất đắc địa diễn ra khá gay cấn giữa các nhà đầu tư “có máu mặt”. Nói về yếu tố mặt bằng, bà Nguyễn Quế Anh, Tổng giám đốc Himlam Vikid cho biết: “Trước khi quyết định đầu tư, công ty đã nghiên cứu rất kỹ thị trường, địa điểm đầu tư. Đây là khu dân cư trẻ. Họ cũng là những người có thu nhập cao, nhanh chóng tiếp thu cái mới. Bao quanh Vietopia là hệ thống dày đặc các trường quốc tế, trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở… nơi tập trung lượng khách hàng cố định rất lớn”. Hiện nay, Vietopia đón 2.000 – 2.500 khách/ngày thường và có thể lên tới 3.000 khách vào các ngày cuối tuần.
Ông Lê Quang Hưng, Giám đốc điều hành KizCiti cũng cho rằng, yếu tố mặt bằng là trở ngại lớn nhất khi mở khu vui chơi trẻ em, bởi mặt bằng chiếm không dưới 70% tổng vốn đầu tư. Bên cạnh việc được hưởng chính sách từ nhà nước khi đầu tư vào các khu vui chơi cho trẻ, một khoản lợi nhuận không nhỏ bù đắp cho nhà đầu tư là biết khéo léo kết hợp với các công ty khác để được tài trợ bằng nhiều hình thức từ phía các nhãn hàng, thông qua chia sẻ không gian và sự xuất hiện các thương hiệu trong các trò chơi của trẻ.
Đánh giá thị trường kinh doanh khu vui chơi trẻ em, một số nhà đầu tư cho rằng, yếu tố mặt bằng kinh doanh cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp.
Ông Thomas Ngô, Giám đốc điều hành tiNiWord nhận định: trong tương lai, có thể sẽ có nhiều nhà đầu tư lớn hơn từ nước ngoài nhảy vào kinh doanh trong lĩnh vực này, dẫn tới cạnh tranh khốc liệt hơn. Nhiều công ty mạnh và chuyên nghiệp sẽ làm thay đổi diện mạo hiện nay của ngành này thông qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ và sự trải nghiệm của khách hàng. Theo ông Thomas Ngô, ước tính doanh số của thị trường này lên đến 700 triệu USD/năm. Tuy nhiên muốn thành công, không chỉ đơn thuần là có mặt bằng tốt, gần khu dân cư mà quan trọng hơn là nhà đầu tư phải lựa chọn đúng mô hình kinh doanh để phát triển lâu dài.
xem bài gốc tại đây: http://doanhnhanonline.com.vn/tiem-nang-lon-loi-nhuan-cao